Một trong những biện pháp cung cấp dưỡng chất cho tóc, giúp tóc tránh khỏi tình trạng khô xơ một cách hiệu quả, đó là hấp tóc. Đâu đâu cũng nghe nói về tác dụng hữu ích của hấp tóc, nhưng bạn đã biết rõ các thông tin cần thiết về hấp tóc chưa? Địa chỉ cắt tóc đẹp ở Hà Nội Sancy Salon sẽ giúp bạn biết nhiều hơn về công đoạn chăm sóc tóc quan trọng này.
Hấp tóc là gì?
Hấp tóc là một biến pháp chăm sóc tóc giúp tóc thoát khỏi tình trạng hư tổn, điển hình là khô xơ, mất nước, rụng nhiều… bằng cách cung cấp độ ẩm và chất dinh dưỡng cần thiết cho tóc. Chính bởi vậy, việc hấp tóc không chỉ giúp phục hồi dần dần tình trạng khô xơ, chẻ ngọn mà còn giúp tóc trở nên bóng mượt giàu sức sống trong thời gian dài về sau.
Có thể nói, hấp tóc là việc cần làm trong quy trình chăm sóc tóc giúp tóc khỏe mạnh từng ngày, cung cấp độ ẩm và dinh dưỡng để hạn chế tác hại của ánh nắng, hóa chất, khói bụi.
Có cần thiết phải hấp tóc khi đã có dầu xả?
Không phải ngẫu nhiên mà hấp tóc trở thành một công đoạn không thể thiếu trong quá trình chăm sóc tóc. Nhiều người vẫn quan niệm rằng chỉ cần dầu xả là đủ để cung cấp dưỡng chất cho tóc, nhưng thực ra không phải như vậy. Nếu so sánh với dầu xả, hấp tóc có nhiều điểm tương đồng về tác dụng, nhưng kem hấp có nhiều hạt dưỡng chất hơn và đậm đặc hơn kem xả, giúp các chất dinh dưỡng ngấm tận sâu vào bên trong lõi tóc, bởi vậy nên hiệu quả phục hồi sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn các dưỡng chất của dầu xả chỉ có tác dụng ở phần biểu bì của tóc mà thôi.
Việc hấp tóc quan trọng như thế nào?
Đầu tiên, dưỡng chất trong kem hấp giúp mái tóc bình thường trở nên suôn, mượt và khỏe đẹp. Nếu như hằng ngày, tóc phải chịu tác động từ những yếu tố như nắng, gió, bụi, môi trường ô nhiễm, hoặc đơn giản là những áp lực từ cuộc sống khiến bạn căng thẳng… Hơn thế nữa, theo thời gian, tóc, nhất là tóc dài, cũng trở nên lão hóa, dần yếu đi. Những dấu hiệu thường thấy là ngọn tóc bị chẻ, khô, xơ rối hay gãy rụng. Những tác động từ bên trong và bên ngoài luôn khiến tóc luôn bị rơi trong tình trạng dễ bị hư tổn nên nếu bạn muốn tóc luôn chắc khỏe thì cần quan tâm bổ sung dưỡng chất phù hợp cho tóc.
Đặc biệt, đối với những người thường xuyên tác động hóa chất vào tóc như uốn, nhuộm, ép, tẩy, thì tóc lại càng dễ bị hư tổn hơn bao giờ hết. Khi đó, việc hấp tóc là việc bắt buộc bạn cần dành thời gian để làm nếu muốn tóc phục hồi lại tình trạng ban đầu.
Cách hấp tóc tại nhà
Trước khi hấp, bạn cần chuẩn bị sẵn kem hấp tóc sao cho tính chất của loại kem đó phù hợp với tình trạng tóc và loại tóc của bạn. Tóc bạn là tóc khô, tóc dầu, tóc chẻ ngọn hay tóc bị rụng nhiều… đều sẽ có các loại kem xả riêng.
Có hai cách hấp tóc tại nhà, nếu không có nhiều thời gian thì bạn hãy hấp nhanh với thời gian ủ từ 3-5 phút, còn nếu cầu kỳ hơn thì bạn hãy chọn loại kem hấp sâu trong 15-20 phút.
Bạn cần phải gội sạch đầu trước hấp tóc. Khi tóc bạn đang bết dính, tóc của bạn sẽ không thể hấp thu được bất kỳ một dưỡng chất nào, thậm chí còn có thể gây tác dụng ngược. Khi xả tóc, bạn hãy dùng lược chải để tránh tình trạng tóc bị rối tung sau khi gội. Gội xong, bạn hãy xả sạch và dùng khăn bông mềm nhẹ nhàng lau cho tóc ráo nước.
Tiếp đến là công đoạn quan trọng nhất: hấp tóc. Để đảm bảo rằng bạn không bỏ sót một phần nào trên tóc, bạn hãy chia tóc ra thành 4 phần theo đường ngôi giữa từ trước ra sau với đường ngang của phía trên hai vành tai và kẹp gọn. Việc chia tóc này còn giúp bạn bôi kem ủ dễ dàng hơn. Ở mỗi phần tóc, bạn hãy bôi kem từ gốc đến ngọn theo từng lớp tóc bắt đầu từ lớp trên cùng. Chú ý bôi kỹ phần ngọn tóc vì đây thường là nơi phải chịu đựng nhiều tác động từ bên ngoài dẫn đến hư tổn nhiều nhất.
Sau khi bôi kem hấp, bạn hãy quấn toàn bộ tóc lại rồi ủ bằng mũ trùm tắm hoặc khăn bông sạch và ấm. Nhiệt độ sẽ làm biểu bì tóc mở ra và dưỡng chất dễ dàng thấm sâu vào bên trong hơn.
Sau khi đạt thời gian đủ lâu, bạn hãy tháo khăn ra, xả tóc thật sạch với nước mát.
Một số lưu ý khi hấp tóc
Thời gian hấp tóc phục hồi tùy thuộc vào loại sản phẩm và sức khỏe của mái tóc. Ủ tóc quá lâu không những không giúp tóc được dưỡng ẩm nhiều hơn, mà còn khiến tóc bị nhờn và bết dính.
Sau khi hấp tóc, bạn không cần dùng thêm dầu xả. Nếu bạn xả thì không nên xả quá kỹ khiến các dưỡng chất bị lấy đi hết.
Bạn không nên dùng máy sấy sau khi hấp tóc, chỉ nên dùng khăn mềm lau nhẹ và để tóc khô một cách tự nhiên.
Bạn chỉ nên bôi lượng kem hấp vừa đủ, tránh bôi quá dày.
Nếu da đầu của bạn bị dầu, tránh bôi trực tiếp sản phẩm lên da đầu. Ngược lại hãy massage nhẹ nhàng da đầu từ 1-2 phút để cung cấp dưỡng chất cho da đầu khô.